Tuyến tiền liệt là cơ quan chỉ có ở nam giới với vị trí nằm ngay dưới bàng quang, bao xung quanh phần đầu của niệu đạo. Với vai trò cực kỳ quan trọng là sản sinh hormone nam và tinh dịch, tuyến tiền liệt nếu bị bệnh thì có thể gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của đấng mày râu. Bài viết này xin thông tin đến độc giả đặc điểm của một số bệnh tuyến tiền liệt thường gặp nhất.

Cấu tạo và chức năng của tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt bao gồm 70% là các mô tuyến, 30% còn lại là lớp đệm mô sợi cơ. Bao bọc bên ngoài là lớp vỏ cấu tạo bởi collagen, elastin và rất nhiều sợi cơ trơn. Tuyến tiền liệt có 2 chức năng chính:

  • Sản xuất tinh dịch giúp làm trơn niệu đạo khi xuất tinh và giúp cho tinh trùng thuận lợi di chuyển trong cơ quan sinh dục nữ.
  • Kiểm soát không cho nước tiểu và tinh dịch xuất ra ngoài cùng một lúc khi xuất tinh.

Đó là lý do mà khi mắc các bệnh tuyến tiền liệt, nam giới rất dễ gặp các vấn đề liên quan đến tiểu tiện và chức năng sinh dục. Hầu hết các bệnh về tuyến tiền liệt xuất phát từ các nguyên nhân không rõ ràng và thường có liên quan đến nhau. Một người có thể mắc nhiều bệnh cùng một lúc, và đôi khi bệnh này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh kia. Hầu hết các bệnh này đều khá lành tính và không đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh khi không được điều trị kịp thời rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Ảnh minh họa vị trí của tuyến tiền liệt trong cơ thể
Ảnh minh họa vị trí của tuyến tiền liệt trong cơ thể

Một số bệnh tuyến tiền liệt thường gặp

Dưới đây là 4 loại bệnh thường gặp nhất liên quan đến tiền liệt tuyến. Chúng tôi xin khái quát ngắn gọn các thông tin về nguyên nhân, biểu hiện, biến chứng và phương pháp điều trị cho từng bệnh. 

Bệnh viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt thường xảy ra ở nam giới lứa tuổi hoạt động tình dục (dưới 50 tuổi) hoặc những người mắc bệnh u xơ tiền liệt tuyến hay người thường xuyên bị rối loạn tiểu tiện đường dưới.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tuyến tiền liệt

  • Nhóm nguyên nhân do vi khuẩn gồm 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, tuyến tiền liệt bị viêm do biến chứng của tình trạng nhiễm khuẩn đường tiểu, thường gặp ở người từng hoặc đang bị viêm đường tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến hay bàng quang thần kinh. Trường hợp thứ hai, bệnh tuyến tiền liệt này xuất phát từ việc nhiễm khuẩn đường tình dục, gây ra nhiễm trùng đường dẫn tiểu sau đó ngược lên tiền liệt tuyến. 
  • Nhóm nguyên nhân không do vi khuẩn: Nghĩa là tình trạng viêm ở tiền liệt tuyến không phải do các loại vi khuẩn gây ra. Trường hợp này thường xảy ra ở những người từng bị chấn thương vùng chậu hoặc từng làm phẫu thuật ở khu vực này, dẫn đến tổn thương và chèn ép dây thần kinh ở tuyến tiền liệt. Nguyên nhân này hiếm gặp hơn, tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn vẫn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến căn bệnh tuyến tiền liệt này

Biểu hiện thường gặp của bệnh viêm tuyến tiền liệt

  • Rối loạn tiểu tiện với các triệu chứng: Tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm
  • Tắc nghẽn đường tiểu với các triệu chứng: Bí tiểu, tiểu ngập ngừng
  • Xuất hiện các cơn đau bất thường ở một số khu vực: vùng bụng dưới, vùng háng, tại quan sinh dục và tầng sinh môn
  • Trục trặc tại đường dẫn tinh với các triệu chứng: Đau khi xuất tinh, tinh dịch có máu
  • Tính chất nước tiểu có sự bất thường: Nước tiểu có màu đục, mùi hôi và nồng, đi tiểu ra máu.
Hình ảnh minh họa tình trạng nhiễm trùng - bệnh tuyến tiền liệt rất thường gặp
Hình ảnh minh họa tình trạng nhiễm trùng – bệnh tuyến tiền liệt rất thường gặp

Biến chứng của bệnh viêm tuyến tiền liệt

  • Nhiễm trùng ăn vào máu và một số khu vực khác như xương chậu, xương sống phần dưới.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Xuất tinh sớm, suy giảm ham muốn quan hệ.
  • Vô sinh, hiếm muộn do tinh trùng yếu, tinh trùng ít
  • Bệnh viêm mào tinh hoàn
  • Áp xe tại tuyến tiền liệt
  • Viêm nội mạc cơ tim.

Như vậy, ở giai đoạn sớm, viêm tuyến tiền liệt có thể rất lành tính và không gây ra nhiều sự khó chịu. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và không được chữa trị kịp thời thì căn bệnh tuyến tiền liệt này cũng khá nguy hiểm. Ngoài ra mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc tình trạng nhiễm trùng là cấp tính hay mãn tính. Nhiễm trùng cấp tính có thể dễ dàng điều trị bằng kháng sinh, còn mãn tính thì khó điều trị và nguy hiểm hơn.

Cách điều trị viêm tuyến tiền liệt

Đối với trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính, cách điều trị chủ yếu là uống kháng sinh để diệt vi khuẩn kết hợp với thuốc kháng viêm để giảm đau và thuốc ức chế alpha để giảm áp lực cho tuyến tiền liệt. Cùng với đó là điều chỉnh lại việc ăn uống, thói quen sinh hoạt để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh tuyến tiền liệt do nhiễm trùng.

Còn đối với trường hợp bị nhiễm trùng mãn tính thì người bệnh cần kiên trì điều trị trong khoảng 4 – 6 tuần mới có hiệu quả, vẫn với phương pháp giống như điều trị nhiễm trùng cấp tính. Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài rất dễ dẫn đến vi khuẩn kháng lại kháng sinh và bệnh tái phát. Vậy nên, để điều trị an toàn hiệu quả, bạn nên thăm khám và tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh viêm tiền liệt tuyến thường được điều trị bằng kháng sinh
Bệnh viêm tiền liệt tuyến thường được điều trị bằng kháng sinh

Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt

Hiểu một cách nôm na thì vôi hóa tuyến tiền liệt là tình trạng canxi lắng đọng tại tiền liệt tuyến, tích tụ theo thời gian hình thành các khối được gọi là “nốt vôi hóa”. Căn bệnh tuyến tiền liệt này thường gặp ở nam giới sau 40 tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt.

  • Tuổi tác càng cao thì nguy cơ bị vôi hóa tiền liệt tuyến ở nam giới càng lớn. Lý do là vì tuyến tiền liệt ở giai đoạn này bắt đầu “đình công” sau một khoảng thời gian dài “lao động chăm chỉ”. Thêm vào đó, tuổi càng cao thì hệ miễn dịch càng suy yếu, việc ăn uống ngủ nghỉ không còn diễn ra “ngon lành như khi tuổi trẻ”. Đó là những lý do thúc đẩy việc hình thành các bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới tuổi trung niên trở đi.
  • Bên cạnh đó, các nốt vôi hóa thường được phát hiện có liên quan (tức là đi kèm) với một số bệnh lý và tiền sử y khoa khác như: Bệnh nhiễm trùng hay u xơ tiền liệt tuyến, bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã điều phẫu thuật thành công.

Nhìn chung, nguyên nhân gây ra các nốt vôi hóa ở tuyến tiền liệt đến nay vẫn còn chưa rõ ràng. Các yếu tố trên là những nguyên nhân được suy đoán thông qua việc thống kê khảo sát lâm sàng trên những bệnh nhân đã mắc bệnh.

Biểu hiện thường gặp của vôi hóa tiền liệt tuyến

Bệnh tuyến tiền liệt có nốt vôi hóa thường gây ra một số triệu chứng điển hình như sau, ở giai đoạn bệnh đã nặng và nốt vôi hóa tăng kích thước lên nhiều lần:

  • Cơn đau ở vùng bụng dưới và háng xuất hiện bất chợt
  • Cơn đau ở vùng đáy chậu và thắt lưng xuất hiện âm ỉ
  • Bộ phận sinh dục có cảm giác căng căng, khó chịu
  • Rối loạn tiểu tiện dẫn đến tiểu liên tục, lắt nhắt
  • Tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến tiểu khó, tiểu không hết
  • Tinh dịch có màu bất thường và bắn ra yếu khi xuất tinh

Biến chứng của vôi hóa tiền liệt tuyến

Vôi hóa tuyến tiền liệt nếu để lâu không chữa trị, ở một số bệnh nhân có thể tự khỏi. Nhưng ở một vài bệnh nhân khác thì căn bệnh tuyến tiền liệt này lại gây ra biến chứng khá nguy hiểm: 

  • Tắc nghẽn niệu đạo (do bị nốt vôi hóa chèn ép) lâu ngày dẫn đến suy thận.
  • Suy giảm chức năng sản xuất tinh dịch dẫn đến tinh trùng yếu và ít, gây ra vô sinh, hiếm muộn.
  • Gây ra tình trạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt và các cơ quan lân cận.
Hình ảnh X-quang nốt vôi hóa tiền liệt tuyến
Hình ảnh X-quang nốt vôi hóa tiền liệt tuyến

Cách điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến

Đối với trường hợp bệnh nhẹ, nốt vôi hóa nhỏ, hoặc nốt vôi to nhưng chưa có triệu chứng khó chịu (tức là chưa có nhiễm trùng) thì chưa cần can thiệp điều trị. Bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt, ăn uống và giữ gìn vệ sinh để đề phòng nhiễm trùng.

Khi bệnh tuyến tiền liệt do vôi hóa đã gây ra các triệu chứng khó chịu (tức là có nhiễm trùng) thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một hoặc kết hợp một vài phương pháp điều trị nội khoa bao gồm: uống kháng sinh, tiêm kháng sinh và vật lý trị liệu.

Một số trường hợp bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không có hiệu quả, hoặc nốt vôi hóa đã có biến chứng, hay khi nốt vôi hóa đi kèm u xơ hoặc ung thư thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ thông qua mổ nội soi hoặc mổ mở tùy vào tình trạng bệnh, đặc thù sức khỏe của từng bệnh nhân.

Bệnh u xơ tiền liệt tuyến

Là một bệnh tuyến tiền liệt lành tính và vô cùng phổ biến với nam giới, u xơ tiền liệt tuyến còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Tăng sản tuyến tiền liệt, phì đại tiền liệt tuyến lành tính, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt. Căn bệnh này xảy ra ở khoảng 63.8% nam giới trên 50 tuổi và 100% nam giới từ tuổi 80 mắc bệnh.

Nguyên nhân gây u xơ tuyến tiền liệt

Cũng giống với vôi hóa tiền liệt tuyến, tuổi tác có lẽ là nguyên nhân chắc chắn và rõ ràng nhất được đưa ra cho hiện tượng u xơ tại cơ quan này. Từ sau tuổi 40, tuyến tiền liệt của nam giới bắt đầu tăng kích thước một cách bất thường đến mức phình to và chèn ép các cơ quan lân cận. Điều này xảy ra như một lẽ dĩ nhiên. Bên cạnh đó, một số thói quen sinh hoạt (hay nhịn tiểu), ăn uống (uống nhiều bia rượu, ăn đồ ăn chiên xào cay nóng) cũng được cho là có tác động khiến tuyến tiền liệt phì đại nhanh hơn

Biểu hiện thường gặp của u xơ tiền liệt tuyến

Cũng giống như tình trạng vôi hóa, người bệnh u xơ thường chỉ phát hiện mình mắc căn bệnh tuyến tiền liệt này khi tình trạng đã nặng, kích thước tuyến phình to và gây ra các triệu chứng khó chịu bao gồm:

  • Rối loạn tiểu tiện, tắc nghẽn đường tiểu với các triệu chứng: tiểu ngập ngừng, đứt quãng; dòng nước tiểu yếu; tiểu són; tiểu không hết; bí tiểu; tiểu rắt và lắt nhắt; tiểu nhiều về đêm.
  • Các biểu hiện suy giảm chức năng sinh lý như: xuất tinh sớm hoặc khó xuất tinh; tinh trùng yếu; ít hoặc không có ham muốn tình dục. 
Ảnh minh họa phì đại tuyến tiền liệt
Ảnh minh họa phì đại tuyến tiền liệt

Biến chứng của u xơ tiền liệt tuyến

Bệnh tuyến tiền liệt phì đại khá lành cho nên người bệnh không cần quá bất an, lo lắng. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà chủ quan bởi lẽ nếu như không có biện pháp kiểm soát sự tăng sản tiền liệt tuyến thì cơ quan này càng ngày sẽ càng to ra. Kích thước u xơ quá lớn sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu nói trên, làm ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của nam giới. Đặc biệt, tình trạng rối loạn tiểu tiện, tắc nghẽn đường tiểu và suy giảm sinh lý do u xơ nếu kéo dài nhiều năm như vậy cũng có thể dẫn đến một số biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, viêm bàng quang, suy thận, vô sinh.

Cách điều trị u xơ tiền liệt tuyến

Bệnh tuyến tiền liệt phì đại có 2 phương pháp điều trị phổ biến nhất đó là sử dụng thuốc và phẫu thuật.

  • Phương pháp dùng thuốc áp dụng cho trường hợp u xơ còn nhỏ (thường là dưới 45g), triệu chứng biểu hiện của bệnh còn nhẹ. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc để điều trị triệu chứng là chủ yếu, thuốc không có tác dụng triệt tiêu u xơ. Ngoài ra, một số loại thuốc nam và sản phẩm viên uống từ thuốc nam có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của u xơ, người bệnh có thể tham khảo sử dụng kết hợp.
  • Phương pháp phẫu thuật áp dụng cho trường hợp bệnh tuyến tiền liệt phì đại đã tiến triển nặng hơn, với kích thước u xơ trên 45g, triệu chứng bệnh biểu hiện nặng. Tùy vào đặc thù từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ nội soi, mổ mở hoặc rạch niệu đạo để cắt bỏ u xơ cho bệnh nhân.

Bệnh ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư có lẽ là bệnh nguy hiểm nhất trong số bốn căn bệnh được đề cập trong bài viết này. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 55 – 74 và xếp thứ 13 về tỷ lệ tử vong trong bảng xếp hạng các loại bệnh ung thư tại Việt Nam.

Nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến

Cũng giống như mọi loại bệnh tuyến tiền liệt khác, nguyên nhân gây ra ung thư ở cơ quan này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Chỉ có một số yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Nam giới độ tuổi 55 – 74 có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất
  • Người da màu có tỉ lệ mắc cao nhất, tiếp đến là người da trắng, thấp nhất là người da vàng
  • Người có người thân (bố hoặc anh em trai) mắc ung thư tiền liệt tuyến thì cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường
  • Người có chỉ số PIN cao khi làm sinh thiết tiền liệt tuyến
  • Một số yếu tố khác như môi trường sống, dinh dưỡng, cân nặng, thắt ống dẫn tinh, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và các bệnh tuyến tiền liệt khác cũng được cho là có liên quan đến ung thư tiền liệt tuyến
Ảnh minh họa 4 giai đoạn ung thư tiền liệt tuyến
Ảnh minh họa 4 giai đoạn ung thư tiền liệt tuyến

Biểu hiện thường gặp của ung thư tiền liệt tuyến

  • Xuất hiện các cơn đau bất thường ở vùng xương chậu, cột sống dưới
  • Đau khi xuất tinh, tinh dịch lẫn máu
  • Chân bị phù nề
  • Thiếu máu, suy thận dẫn đến da trắng nhợt nhạt, bệnh nhân sụt cân nhanh và gầy rộc đi.

Khi có các biểu hiện kể trên, bệnh thường đã bước vào giai đoạn 3 và 4 (là khi tế bào ung thư đã phá vỡ lớp vỏ bọc ngoài tuyến tiền liệt và bắt đầu di căn sang các cơ quan gần và xa hơn. Còn ở giai đoạn sớm, bệnh hầu như không có biểu hiện rõ rệt.

Biến chứng của ung thư tiền liệt tuyến

Tuy rằng bệnh ung thư tại tuyến tiền liệt không có tỉ lệ tử vong cao và vẫn có thể đáp ứng điều trị. Song đây vẫn là một bệnh tuyến tiền liệt nguy hiểm nhất với các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Bệnh nhân không thể tự chủ việc tiểu tiện
  • Suy giảm sinh lý, vô sinh
  • Nghiêm trọng hơn tế bào ung thư có thể di căn đến nhiều cơ quan, mạch máu và cả hệ bạch huyết, thậm chí vào cả xương, phá hủy cơ thể. Đến giai đoạn này thì bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn nữa mà chỉ có thể can thiệp để “kìm chân” làm chậm tốc độ di căn của ung thư.

Cách điều trị ung thư tiền liệt tuyến

So với nhiều bệnh ung thư khác, bệnh tuyến tiền liệt ung thư vẫn khá lành và có thể đáp ứng điều trị nếu phát hiện sớm. Một số phương pháp điều trị thường sử dụng hiện nay sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa trên giai đoạn bệnh, gồm:

  • Ở giai đoạn 1 và 2: Bác sĩ có thể mổ để cắt bỏ triệt để toàn bộ tuyến tiền liệt, hoặc sử dụng sóng siêu âm HIFU để đốt triệt tiêu tế bào ung thư.
  • Ở giai đoạn 3 và 4: Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị hoặc điều trị bằng phương pháp nội tiết (cắt bỏ cả 2 tinh hoàn hoặc là tiêm thuốc ức chế sản sinh testerone trong thời gian dài). Như đã nói ở trên, một khi bệnh đã bước vào giai đoạn này thì không phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn được.
Hình ảnh xạ trị cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến
Hình ảnh xạ trị cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến

Lưu ý để phòng tránh các bệnh tuyến tiền liệt ở nam giới

  • Hãy tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể
  • Duy trì một chế độ ăn uống healthy, cân bằng dinh dưỡng
  • Giữ gìn vệ sinh bộ phận sinh dục
  • Quan hệ tình dục điều độ và lành mạnh
  • Từ bỏ các tác nhân có hại như bia rượu, chất kích thích
  • Từ bỏ các thói quen xấu như nhịn tiểu, uống nước ngọt vào ban đêm.

Nhìn chung, các bệnh tuyến tiền liệt rất phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên ở độ tuổi trung niên là nguy cơ cao nhất. Ngoại trừ ung thư thì các bệnh này hầu hết là lành tính nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống lâu dài, nam giới nên chủ động thăm khám nam khoa khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào đã liệt kê trong bài. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng hơn, ít rủi to hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài đăng gần đây

Điểm bán gần bạn