Vôi hóa tuyến tiền liệt là bệnh chỉ xảy ra ở nam giới (vì chỉ cánh mày râu mới có tuyến tiền liệt). Bệnh gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho sức khỏe. Thế nhưng, khái niệm bệnh này dường như còn khá mới mẻ trong hiểu biết của người Việt Nam. Vậy, vôi hóa tiền liệt tuyến là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị căn bệnh này như thế nào?

Thế nào là vôi hóa tiền liệt tuyến?

Vôi hóa là tình trạng canxi bị ứ đọng ở tuyến tiền liệt với lượng lớn, tích tụ thành một khối gọi là nốt vôi hóa. Kích thước của nốt vôi hóa không cố định ở tất cả mọi người bệnh. Cần phải nhờ tới công nghệ siêu âm hoặc chụp MRI hay CT để xác định kích thước của nốt vôi. Thông qua đó, bác sĩ sẽ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng vôi hóa tuyến tiền liệt, và có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Vôi hóa tiền liệt tuyến có thể xảy ra với nam giới ở mọi lứa tuổi, song kể từ độ tuổi 40 trở đi là dễ gặp nhất. Tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Các bác sĩ khuyến cáo nam giới không nên chủ quan với tình trạng lắng đọng canxi ở tuyến tiền liệt. Nếu nhận thấy bản thân có bất kỳ dấu hiệu không bình thường nào ở vùng thắt lưng, xương chậu hoặc dương vật, nam giới nên thăm khám bệnh để phát hiện sớm và điều trị nốt vôi hóa ngay nếu có.

Hình ảnh nốt vôi hóa tiền liệt tuyến qua phim chụp X-quang và minh họa 3D
Hình ảnh nốt vôi hóa tiền liệt tuyến qua phim chụp X-quang và minh họa 3D

Triệu chứng báo hiệu vôi hóa tuyến tiền liệt

Ở giai đoạn đầu khi mới lắng đọng canxi, bệnh nhân hầu như không hề có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Gần như tất cả mọi bệnh nhân giai đoạn này chỉ phát hiện ra bệnh khi đi siêu âm khám sức khỏe, hoặc khám vấn đề nam khoa nào đó khác. Đến khi có triệu chứng biểu hiện thì nốt vôi hóa đã hình thành với kích cỡ khá lớn rồi.

Bệnh nhân thường chỉ nhận ra sự bất thường khi tình trạng vôi hóa đã trở nặng, có dấu hiệu xơ hóa. Nốt vôi hóa tuyến tiền liệt càng lớn thì các triệu chứng dưới đây sẽ càng rõ ràng:

  • Xuất hiện cơn đau đột ngột ở khu vực háng và bụng;
  • Xuất hiện đau mỏi ở phần thắt lưng, đáy chậu;
  • Cảm thấy khó chịu căng tức ở bộ phận sinh dục;
  • Bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt và tiểu đêm nhiều;
  • Tinh dịch xuất ra có thể có màu vàng nhạt. Khi xuất, tinh dịch chảy thành dòng chứ không bắn ra như bình thường.

Nếu không được điều trị, nốt vôi hóa sẽ ngày càng to lên do canxi tiếp tục tích tụ. Tình trạng này có thể dẫn tới một số biến chứng, phổ biến nhất là viêm tuyến tiền liệt.

Nguyên nhân gây vôi hóa tuyến tiền liệt

Rất nhiều nam giới thắc mắc, chẳng hiểu gì sao mình lại mắc phải căn bệnh kể trên. Và y học cũng chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác dẫn đến việc canxi lắng đọng ở tiền liệt tuyến và hình thành nốt vôi hóa. Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố nguy cơ được  cho là liên quan mật thiết với tình trạng vôi hóa tiền liệt tuyến. Cụ thể như sau:

  • Tuổi tác

Đây là yếu tố dễ thấy nhất, bởi theo thống kê, số lượng đàn ông từ tuổi trung niên trở đi bị mắc bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt là rất cao, gần như chiếm đa số. Các giả thuyết cho rằng, lý do là vì ở độ tuổi này thì toàn bộ mọi cơ quan trong cơ thể bắt đầu bị suy giảm chức năng, “lơ là” nhiệm vụ, trong đó bao gồm cả tiền liệt tuyến. Thêm vào đó, tuổi tác càng cao, sức khỏe miễn dịch càng suy yếu và hoạt động kém hiệu quả. Hầu hết nam giới lại không chú trọng đến việc chăm lo sức khỏe cho mình, dẫn đến tình trạng lắng đọng canxi ở tiền liệt tuyến, hình thành nốt vôi.

Tuổi tác cao, cơ thể rệu rã và miễn dịch suy giảm là yếu tố nguy cơ đáng quan tâm nhất gây nên vôi hóa tiền liệt tuyến
Tuổi tác cao, cơ thể rệu rã và miễn dịch suy giảm là yếu tố nguy cơ đáng quan tâm nhất gây nên vôi hóa tiền liệt tuyến

Ngoài ra, các cuộc khảo sát lâm sàng cho thấy, có một tỷ lệ lớn người bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt từng có hoặc đang có một số bệnh lý như:

  • Viêm tuyến tiền liệt
  • U xơ tuyến tiền liệt
  • Ung thư tuyến tiền liệt đã phẫu thuật cắt bỏ.

Vôi hóa tiền liệt tuyến có nguy hiểm không?

Bản chất vôi hóa tại tiền liệt tuyến không phải là một bệnh lý ác tính, và tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới Việt rất cao. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân hoàn toàn có thể bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần triệu chứng, nốt vôi hóa ở giai đoạn sớm rất khó phát hiện. Bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt nếu để lâu ngày không chữa, bệnh nhân có thể phải đối diện với một số mối nguy như sau:

  • Nốt vôi hóa chèn ép gây tắc nghẽn niệu đạo. Khi ấy, nước tiểu không thể thoát hết ra ngoài có thể trào ngược quay trở lại bàng quang, làm tổn thương đến thận và một số cơ quan liên quan. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh suy thận cực kỳ nguy hiểm.
  • Nốt vôi hóa thường làm giảm hiệu quả của quy trình sản xuất tinh dịch. Điều này ảnh hưởng xấu tới số lượng và chất lượng tinh trùng, dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nam giới nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.. 

Ngoài 2 nguy cơ biến chứng nói trên, bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt không có nguy cơ tử vong, do đó người bệnh không nên quá bi quan mà làm ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.

Hiếm muộn, vô sinh nam là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà bệnh vôi hóa tiền liệt tuyến gây ra
Hiếm muộn, vô sinh nam là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất mà bệnh vôi hóa tiền liệt tuyến gây ra

Các phương pháp điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến

Vôi hóa tiền liệt tuyến không phải là tình trạng hiếm gặp và cũng có nhiều phương pháp điều trị. Đối với các trường hợp bệnh nhẹ, nốt vôi hóa còn nhỏ và không gây ra triệu chứng khó chịu chưa cần phải can thiệp điều trị. Bệnh nhân chỉ cần thăm khám định kỳ để theo dõi mức độ phát triển của nốt vôi, đồng thời sử dụng các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt.

Trong trường hợp nốt vôi hóa tuyến tiền liệt đã quá to và gây ra các triệu chứng khó chịu, khám thấy có tình trạng viêm, nhiễm trùng hoặc nốt vôi đi kèm với các bệnh lý khác thì cần tiến hành điều trị bằng các phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa dưới đây:

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa thường sử dụng các phương pháp sau đây giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt do nốt vôi hóa gây ra:

  • Điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến bằng kháng sinh đường uống

Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, điều trị tình trạng viêm cấp và mãn tính ở tuyến tiền liệt. Sự đáp ứng thuốc kháng sinh sẽ xảy ra 2 trường hợp: Đối với trường hợp viêm cấp tính, thuốc kháng sinh đường uống khá hiệu quả. Còn đối với trường hợp viêm mạn tính, sự đáp ứng khá hạn chế do tỷ lệ thuốc đường uống hấp thu vào mô khá thấp và tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.

Lưu ý đối với trường hợp bị viêm mạn tính, việc điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt bằng kháng sinh có thể sẽ tái phát khi ngừng thuốc. Tuy nhiên người bệnh không được tùy ý dùng thêm thuốc, tăng liều hoặc đổi thuốc vì có thể ảnh hưởng xấu tới gan, thận. Trong trường hợp tái phát, bệnh nhân có thể xem xét phương án điều trị ngoại khoa.

Đối với những người bị viêm mạn tính thì có thể tái phát khi dừng điều trị bằng thuốc, tuy nhiên không nên tự ý thay đổi thuốc hay tăng liều gây ảnh hưởng tới cơ thể nhất là chức năng gan thận. Nếu tái nhiễm nhiều lần có thể lựa chọn điều trị bằng phương pháp khác như can thiệp ngoại khoa

  • Điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến bằng kháng sinh đường tiêm

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh đường uống (thường là khi tình trạng viêm đã thành mạn tính), bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh đường tiêm để tăng hiệu quả. Lưu ý là việc tiêm thuốc kháng sinh điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt sử dụng lâu dài cũng có khả năng bị kháng thuốc.

Kháng sinh đường tiêm được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả, hỗ trợ cho kháng sinh đường uống
Kháng sinh đường tiêm được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả, hỗ trợ cho kháng sinh đường uống
  • Điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến bằng vật lý trị liệu

Phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng kết hợp với việc dùng thuốc để giúp quá trình điều trị có hiệu quả cao hơn. Vật lý trị liệu được cho là có tác dụng giúp tăng tưới máu cho mô tuyến tiền liệt. Việc này giúp cho thuốc kháng sinh dễ dàng thâm nhập vào tuyến, qua đó giúp giảm tắc nghẽn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và giúp làm thông các tuyến bị tắc.

Các phương pháp vật lý trị liệu phổ biến được sử dụng để hỗ trợ điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt là xoa bóp tại chỗ hoặc siêu âm trị liệu. Lưu ý, vật lý trị liệu chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị chứ không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hay là làm tiêu nốt vôi.

Có thể nói, các phương pháp điều trị nội khoa chỉ dừng lại ở việc điều trị, ngăn ngừa các tình trạng viêm, nhiễm trùng đi kèm với vôi hóa. Các phương pháp này đều không tác động trực tiếp loại bỏ nốt vôi hóa tiền liệt tuyến.

Điều trị ngoại khoa

Có 2 giải pháp can thiệp ngoại khoa đó là mổ nội soi hoặc mổ mở để cắt bỏ nốt vôi hóa. Các phương pháp điều trị ngoại khoa thường được áp dụng với các trường hợp sau đây:

  • Khi nốt vôi hóa phát triển tới kích thước quá lớn, đến mức gây ảnh hưởng tới năng lực sinh lý, khả năng sinh sản.
  • Bệnh nhân bị viêm mạn tính đã điều trị nội khoa nhiều lần nhưng bệnh vẫn tái phát.
  • Nếu nốt vôi hóa đi kèm với chứng u xơ tiền liệt tuyến và u xơ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thì các bác sĩ thường sẽ cắt bỏ luôn nốt vôi hóa.
  • Nếu bệnh nhân làm sinh thiết tế bào kiểm nốt vôi hóa mà phát hiện có tế bào ác tính, thì bác sĩ cũng sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ.
Một cuộc phẫu thuật loại bỏ nốt vôi hóa tuyến tiền liệt
Một cuộc phẫu thuật loại bỏ nốt vôi hóa tuyến tiền liệt

Cách phòng tránh bệnh vôi hóa tiền liệt tuyến

Dưới đây là một số lời khuyên dành cho nam giới ở mọi lứa tuổi, kể cả nam giới còn trẻ cũng nên bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ bây giờ:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để giúp đào thải chất cặn bã, giúp ngăn ngừa việc lắng canxi ở tuyến tiền liệt, ở thận. Việc này nên được xây dựng thành thói quen ngay từ khi còn trẻ sẽ rất tốt cho nam giới.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas và các loại chất kích thích khác để không gây áp lực cho thận và tuyến tiền liệt.
  • Hạn chế ăn các món ăn quá cay, nóng hoặc mặn vì chúng là nguyên nhân khiến cho cặn canxi được hình thành và lắng đọng ở thận, ở tuyến tiền liệt.

Vôi hóa tuyến tiền liệt thật sự rất khó phát hiện và cũng có phần nguy hiểm nếu như bệnh dẫn đến biến chứng. Do đó, nam giới (đặc biệt là nam giới tuổi 40 trở đi) nên tích cực theo dõi thăm khám sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh để phòng bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào giống như đã đề cập trong bài viết, bạn đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, phát hiện bệnh càng sớm thì việc điều trị càng dễ dàng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài đăng gần đây

Điểm bán gần bạn