Trong “bảng xếp hạng” các loại ung thư tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 11 về mức độ phổ biến và thứ 13 về tỉ lệ tử vong. Giống như mọi loại bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh này tiến triển khá chậm cho nên nếu được phát hiện và điều trị sớm thì sẽ có nhiều cơ hội khả quan cho bệnh nhân. Mời bạn đọc tìm hiểu một số kiến thức quan trọng về căn bệnh này.
Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư gì?
Căn bệnh này còn có cách gọi khác là ung thư tiền liệt tuyến (hay Prostate Cancer theo tiếng Anh). Và đúng như tên gọi, khối u ác tính này nằm ở tuyến tiền liệt của nam giới. Có thể bạn chưa biết, tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục rất quan trọng của đàn ông, nằm ở giữa bàng quang và trực tràng, cạnh túi tinh. Chức năng chính của tuyến tiền liệt chính là tạo ra tinh dịch.
Vì một lý do nào đó, các tế bào ở tuyến tiền liệt bỗng phát triển bất thường dẫn đến hình thành khối u ác tính (ung thư tuyến tiền liệt). Bệnh ung thư tiền liệt tuyến có thể xảy ra ở 5 dạng khác nhau:
- Ung thư biểu mô tuyến (dạng phổ biến nhất)
- Ung thư biểu mô tế bào vảy (ít gặp)
- Ung thư biểu mô tuyến chuyển tiếp (ít gặp)
- Ung thư tiền liệt tuyến không biệt hóa (ít gặp)
- Sarcoma tuyến tiền liệt chủ yếu ở trẻ nhỏ (rất hiếm gặp).
Ở đất nước ta, hầu hết các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn khá muộn, khiến cho việc điều trị rất khó khăn và tỉ lệ tử vong cao hơn. Lý do là vì căn bệnh này có rất ít biểu hiện ở giai đoạn đầu, trong khi người Việt chưa có thói quen tầm soát ung thư nếu không thấy có bất thường về sức khỏe. Trong khi đó, cơ sở vật chất ở các phòng khám nam khoa thông thường chưa đủ để phát hiện sớm căn bệnh này.
Đặc điểm của 4 giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt
Giai đoạn 1:
- Vị trí khu trú của tế bào ung thư: Tại tuyến tiền liệt
- Đặc điểm: Kích thước của tuyến tiền liệt trong giai đoạn này vẫn bình thường cho nên các phương pháp khám nam khoa thông thường (như thăm khám trực tràng) không thể phát hiện được.
- Phương pháp chẩn đoán có thể phát hiện bệnh: làm xét nghiệm PSA (xét nghiệm máu đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tiền liệt tuyến) và làm sinh thiết tuyến tiền liệt.
Giai đoạn 2
- Vị trí khu trú của tế bào ung thư: Tại tuyến tiền liệt
- Đặc điểm: Các tế bào ung thư tuyến tiền liệt đã bắt đầu phát triển khiến cho cơ quan này phình to ra. Tuy nhiên, khối u vẫn nằm trong tuyến, chưa phá vỡ vỏ bọc của tuyến tiền liệt để di căn sang các cơ quan khác của cơ thể. Người bệnh có những bất thường sức khỏe nhưng chưa rõ ràng, dễ chủ quan.
- Phương pháp chẩn đoán có thể phát hiện bệnh: Làm xét nghiệm PSA và khám trực tràng
Giai đoạn 3:
- Vị trí khu trú: Tế bào ung thư bắt đầu di căn tới bàng quang, trực tràng, cơ thắt niệu đạo, túi tinh
- Đặc điểm: Tế bào ung thư giai đoạn này nhân lên với tốc độ rất nhanh. Người bệnh cũng sẽ bắt đầu nhận ra một cách rõ ràng các bất thường sức khỏe.
- Phương pháp chẩn đoán có thể phát hiện bệnh: Khám trực tràng
Giai đoạn 4:
- Vị trí khu trú: Tế bào ung thư tuyến tiền liệt di căn đến các cơ quan xa hơn như hạch bạch huyết, gan, phổi, xương…
- Đặc điểm: Đây là giai đoạn cuối, khó chữa, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
- Phương pháp chẩn đoán có thể phát hiện bệnh: Khám trực tràng
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư tiền liệt tuyết
Một số triệu chứng lâm sàng của bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2 thường bị nhầm lẫn với các bệnh tiết niệu thông thường:
- Đi tiểu liên tục mà vẫn cảm giác còn nước tiểu sót lại tại bàng quang.
- Đi tiểu đêm nhiều
- Không tự chủ được hành vi đi tiểu, dễ tiểu ra quần
- Tia nước tiểu yếu hơn so với trước đây
- Bí tiểu cấp tính
- Nước tiểu có lẫn máu
Một số triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt khi đã phát triển và di căn, phát hiện ở giai đoạn này thì quá trình chữa trị rất khó khăn và ít có hy vọng chữa khỏi hoàn toàn:
- Đau bất thường ở khu vực xương chậu, cột sống lưng
- Xuất tinh lẫn máu hoặc bệnh nhân đau buốt mỗi khi xuất tinh
- Phù nề ở chân
- Gầy rộc, da trắng nhợt do thiếu máu, suy thận
Một số nguyên nhân gây ung thư tiền liệt tuyến
Cho đến nay, y học trong nước và quốc tế vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân chính xác gây nên u ác ở tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là có liên quan mật thiết tới căn bệnh, nghĩa là những nhóm người dưới đây có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn:
- Đàn ông ở độ tuổi 55 đến 74: Độ tuổi này chiếm đến 65% các trường hợp mắc bệnh
- Người da màu: Thống kê cho thấy, trong cùng một độ tuổi thì tỉ lệ đàn ông da màu bị ung thư tiền liệt tuyến cao hơn đàn ông da trắng. Còn chủng tộc da vàng chúng ta có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn các chủng tộc còn lại.
- Gia đình có tiền sử bị bệnh: Những nam giới có cha hoặc anh em trai mắc ung thư tiền liệt tuyến thì bản thân họ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2 – 3 lần người bình thường.
- Nam giới có PIN độ cao: Tức là khi làm sinh thiết tuyến tiền liệt mà có chỉ số 25,8% ÷ 51% PIN thì được gọi là PIN độ cao rất dễ phát triển thành ung thư tại tuyến.
- Một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt: Gen, môi trường sống, hóa chất độc hại, dinh dưỡng mất cân bằng (ăn quá nhiều thịt mà ít rau), bệnh béo phì, thuốc lá, thủ thuật thắt ống dẫn tinh, các bệnh viêm tiền liệt tuyến, các bệnh lây qua đường tình dục.
Bệnh ung thư tiền liệt tuyến có nguy hiểm không?
Mặc dù chỉ xếp hạng thứ 13 về tỷ lệ tử vong, tuy nhiên ung thư ở tuyến tiền liệt nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm:
- Ung thư có thể di căn đến các cơ quan, mạch máu và hệ bạch huyết ở gần tuyến tiền liệt. Nguy hiểm hơn, tế bào ung thư có thể di căn đến xương gây gãy xương. Khi đã di căn, mặc dù vẫn có thể can thiệp điều trị để làm chậm tốc độ phát triển của tế bào ung thư, nhưng việc chữa khỏi hoàn toàn là điều không thể.
- Bệnh tiểu không tự chủ là một biến chứng xảy ra do bệnh ung thư tuyến tiền liệt hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Biến chứng này nghe có vẻ đơn giản nhưng gây ra rất nhiều phiền toái, khốn khổ cho bệnh nhân.
- Rối loạn cương dương cũng là một biến chứng có thể xảy ra do bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn tới năng lực chăn gối, sự hòa hợp trong cuộc sống phòng the của bệnh nhân.
Ung thư tiền liệt tuyến có thể chữa được không?
Nếu như bạn đang rất lo sợ không biết “ung thư tuyến tiền liệt có chữa được không?” thì hãy tạm yên tâm. Bệnh hoàn toàn có thể can thiệp chữa trị thông qua một số giải pháp dưới đây, bệnh phát hiện càng sớm thì càng có nhiều cơ hội cho bệnh nhân:
Mổ cắt tuyến tiền liệt triệt để
- Giai đoạn phù hợp: giai đoạn 1 hoặc 2, khi tế bào ung thư vẫn chưa di căn.
- Đặc điểm: Bác sĩ sẽ mổ và cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt, bao gồm cả túi tinh và các mô xung quanh đi. Có 2 phương án mổ là qua tầng sinh môn hoặc qua đường sau xương mu.
- Rủi ro: Biến chứng tiểu hoàn toàn không kiểm soát (khả năng 5 – 10%) và rối loạn cương dương (khả năng 70%). Tái phát sau mổ 5 năm (khả năng dưới 10%
Xạ trị ngoài
- Giai đoạn phù hợp: Giai đoạn 3 và 4, khi bệnh ung thư tuyến tiền liệt đã trở nặng và di căn.
- Đặc điểm: Bác sĩ sẽ sử dụng tia X năng lượng cao để triệt tiêu các tế bào ung thư ở tiền liệt tuyến.Phương pháp này sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt. Thời gian xạ trị khéo dài từ 6 – 7 tuần tùy tình trạng bệnh
- Rủi ro: Gặp nhiều tác dụng phụ như suy kiệt sức khỏe, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiểu tiện, rối loạn chức năng cương dương. Giải pháp này có thể kìm hãm sự tiến triển của tế bào ung thư, nhưng khi đã bước vào giai đoạn 3 và 4 thì khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn là rất thấp.
Đốt tuyến tiền liệt bằng HIFU
- Giai đoạn phù hợp: Giai đoạn sớm (1 và 2) nhưng bệnh nhân không không chấp nhận phẫu thuật vì lo sợ biến chứng và nguy cơ, hoặc vì một lý do nào đó không thể làm phẫu thuật. Một số bệnh nhân không chấp nhận xạ trị thì cũng có thể thử, tuy nhiên khả năng tái phát sau điều trị của phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt này cao hơn xạ trị nhiều.
- Đặc điểm: HIFU là phương pháp dùng sóng siêu âm, đặt vào trực tràng để triệt tiêu tế bào ung thư bằng nhiệt.
- Rủi ro: Biến chứng hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo sau can thiệp.
- Đây là giải pháp sử dụng sóng siêu âm (đặt trong trực tràng) để phá hủy tế bào ung thư
Điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng giải pháp nội tiết
- Giai đoạn phù hợp: Chủ yếu là giai đoạn 4, khi khối u đã di căn sang hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xa tuyến tiền liệt hơn.
- Đặc điểm: Bệnh nhân phải lựa chọn hoặc là cắt bỏ cả 2 tinh hoàn; hoặc là tiêm thuốc 28 ngày/lần trong vòng 6 – 12 tháng liên tục. Phương pháp này cắt đứt nguồn cấp testosterone khiến cho các tế bào ung thư không thể phát triển được nữa.
- Rủi ro: Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt này đem lại rất nhiều rủi ro cho sức khỏe của nam giới, đặc biệt là sức khỏe sinh lý. Bởi lẽ, tầm quan trọng của testosterone giống như sinh khí của người đàn ông vậy.
Người bị ung thư tuyến tiền liệt nên ăn gì?
Mặc dù dinh dưỡng không phải là một phương pháp áp dụng để điều trị khỏi bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Thế nhưng, việc người bệnh ăn gì tác động rất nhiều tới tốc độ phát triển của tế bào ung thư, cũng như sự đáp ứng của cơ thể với các phương pháp điều trị bệnh và khả năng tái phát sau điều trị. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, bệnh nhân nên chú ý:
- Nên ăn nhiều rau củ quả, cá và động vật không chân, hoặc 2 chân.
- Không nên ăn nhiều (hạn chế tối đa) các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê, thịt cừu, thịt trâu, thịt lợn…
Một số thắc mắc thường gặp về bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Trong quá trình tiếp xúc và tư vấn điều trị cho nhiều bệnh nhân, chúng tôi ghi nhận một số câu hỏi thường gặp nhất, khiến cho người bệnh hoang mang. Xin được thống kê lại và giải đáp:
Bị ung thư tiền liệt tuyến sống được bao lâu?
Tiên lượng sống của bệnh nhân ung không giống nhau ở mọi bệnh nhân. Thời gian sống bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn và tốc độ phát triển của tế bào ung thư, tuổi tác của bệnh nhân, nền tảng thể lực và bệnh lý nền… Ví dụ, cùng ở độ tuổi 70 có 2 bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt tuyến:
- Một người có bệnh nền chỉ ở độ 0, 1 hoặc 2 và thể lực tốt thì thời gian sống có thể kéo dài đến 18 năm nếu được chăm sóc tốt.
- Một người có bệnh độ 3, thể lực yếu, sinh hoạt khó khăn thì thời gian sống tối đa chỉ có thể kéo dài 12 năm nếu được chăm sóc tốt.
Càng có nhiều bệnh nền ở độ 3, cơ hội sống sót của bệnh nhân càng thấp.
Bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có chữa được nữa không?
Câu trả lời là có. Tế bào ung thư giai đoạn cuối vẫn đáp ứng điều trị. Tuy nhiên cần hiểu đúng về việc điều trị trong giai đoạn này, đó là chỉ nhằm mục đích kìm hãm làm chậm quá trình nhân lên của tế bào ung thư để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân mà thôi. Còn việc chữa khỏi hoàn toàn gần như là không có hy vọng.
Làm sao để phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến ?
Cách chính xác nhất để phát hiện sớm căn bệnh này chính là thăm khám sàng lọc tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Hiện nay để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân cần phải thực hiện hiện 3 bước, đó là:
- Bước 1: Xét nghiệm máu PSA được coi là cách tầm soát hiệu quả nhất hiện nay, giúp phát hiện dấu hiệu bệnh ngay từ giai đoạn sớm.
- Bước 2: Sau khi kết quả PSA cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao, bệnh nhân cần làm sinh thiết tuyến tiền liệt để tìm kiếm tế bào ung thư, xem đây là khối u lành hay ác tính.
- Bước 3: Sau khi chẩn đoán tuyến tiền liệt có khối u ác tính, bệnh nhân sẽ được chỉ định xạ hình xương và chụp MRI vùng chậu để xem ung thư đã tiến triển đến giai đoạn nào, di căn đến xương hoặc hạch bạch huyết hay chưa.
Trên đây là thông tin tổng hợp một số vấn đề quan trọng nhất liên quan đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt, căn bệnh chỉ xảy ra ở nam giới. Thông qua đây, xin khuyến cáo bạn đọc là nam giới sau tuổi 55, hoặc có người thân ở độ tuổi này: Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến rối loạn tiểu tiện: tiểu đêm, tiểu són, tiểu không hết, tiểu rắt… đừng chủ quan mà hãy thăm khám kịp thời để đề phòng đó là dấu hiệu của ung thư tiền liệt tuyến.